1. Lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với định hướng bản thân
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên là người hiểu rõ năng lực và kiến thức của bản thân mình nhất, vì vậy, hãy tìm kiếm và lựa chọn môi trường doanh nghiệp phù hợp với chính bạn.
Thực tập là thời gian sinh viên được thử sức với môi trường làm việc thực tế và vận dụng các tri thức đã được học. Đặc biệt, thực tập chính là cơ hội để sinh viên có thể tìm kiếm công việc chính thức cho mình. Sau khi đã có được vị trí thực tập sinh phù hợp, sinh viên có thể được nhìn nhận và đánh giá tốt để trở thành nhân viên chính thức.
Một tips để sinh viên có thể lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với định hướng bản thân là vạch ra mục tiêu cần làm và phương hướng để thực hiện được các mục tiêu đó, cụ thể trong công việc sinh viên cần xác định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, song song với đó cần tìm hiểu về nhu cầu đa dạng của các ngành nghề để lựa chọn công việc thực tập phù hợp.
Có một thực tế là không ít sinh viên vẫn chưa xác định rõ nghề nghiệp mong muốn trong tương lai. Theo nhiều anh chị cựu sinh viên, trong trường hợp này bạn hãy bắt đầu bằng việc trải nghiệm một công việc mà bạn quan tâm ở mức nhất. Sau quá trình thực hành, quan sát, tìm hiểu, nếu bạn yêu thích và cảm thấy có động lực trong công việc đó thì đó chính là công việc phù hợp với bạn. Nếu không phù hợp, bạn hãy đừng ngần ngại tiếp tục thử bản thân mình.
2. Tìm hiểu về văn hoá doanh nghiệp, học hỏi để thích ứng
Điều đầu tiên, chắc chắn là bạn cần tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp thông qua website, các bài viết giới thiệu, tài liệu nội bộ...để bạn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ thực tập, giao tiếp. Cấu trúc doanh nghiệp cũng là điều bạn nên học hỏi vì đây là điều rất độc đáo.
Khi được tiếp nhận và trở thành thực tập sinh tại một doanh nghiệp đồng nghĩa với việc bạn phải tuân theo những quy định của doanh nghiệp. Sinh viên cần tìm hiểu về văn hóa nơi thực tập, có thái độ tôn trọng văn hóa doanh nghiệp, đảm bảo kỷ luật lao động, tuân thủ quy tắc, tôn trọng thời gian làm việc… để không bị “sốc văn hóa” ở môi trường mới.
Ngoài ra, văn hóa trang phục cũng là điều đáng lưu ý ở môi trường doanh nghiệp. Cách ăn mặc và tác phong khi đi làm cũng là một tiêu chí để doanh nghiệp đánh giá sự chuyên nghiệp của bản thân ngay từ những việc làm nhỏ nhất. Vì vậy sinh viên cần chuẩn bị trang phục chỉnh tề, chỉn chu theo chuẩn mực văn hoá doanh nghiệp.
Một điều quan trọng khác, nếu là thực tập sinh nữ, bạn cũng cần trang bị cho mình kỹ năng để phòng ngừa các tình huống bất tiện như: quấy rối, làm phiền, uống rượu bia...Bạn luôn giữ một khoảng cách nhất định với các anh chị tại nơi thực tập.
3. Sự chủ động là chìa khóa thành công
Tinh thần chủ động là kỹ năng sinh viên cần trang bị trong quá trình làm thực tập sinh. Ở môi trường doanh nghiệp, việc chủ động kết nối với con người và điều kiện làm việc mới, chủ động tìm hiểu công việc, chủ động đề xuất và cùng làm việc nhóm, chủ động trau dồi và phát triển… sẽ giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập và thích nghi nhanh hơn.
Sự chủ động như chất xúc tác để sinh viên đưa những lý thuyết được học tiến gần hơn với thực tiễn công việc. Chỉ khi chủ động, sinh viên mới có thể làm chủ được công việc của mình, đồng thời hạn chế rủi ro khi làm việc. Sự chủ động sẽ giúp sinh viên tự tin hơn và nhanh chóng khắc phục những hạn chế của bản thân.
Bạn cũng cần lưu ý rằng nếu là thực tập sinh đồng nghĩa với việc bạn không phải là một thành viên chính thức của doanh nghiệp nên việc tham gia vào các hoạt động chung của doanh nghiệp cũng sẽ khá hạn chế. Bạn cũng nên đứng ngoài cuộc nhiều vấn đề để tránh những điều phiền toái không đáng có.
4. Nâng cao các kiến thức và kỹ năng đòi hỏi cho công việc thực tập: kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn sẽ được thực hành và trau dồi trong suốt quá trình làm việc, kỹ năng mềm cũng là bước đệm để sinh viên tạo ra bậc thang thăng tiến cho chính mình. Những kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình… chưa bao giờ là thừa thãi trong môi trường doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố giúp sinh viên thành công trong công việc đó là phải có kỹ năng mềm tốt. Khi đi thực tập bạn sẽ phải làm trong một môi trường hoạt động tập thể, do đó cần trang bị khả năng tương tác tốt với mọi người. Khi có những kỹ năng này, sinh viên có thể ứng biến tùy theo tình huống để đạt được kết quả công việc tốt nhất.
Nhiều thực tập sinh rất bối rối không biết sử dụng các máy móc mới trong các xưởng sản xuất chuyên về ngành cơ khí chế tạo như: Máy CNC công nghệ cao; Máy đột dập; Máy cắt dây; hoặc các thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, tổng đài, phần mềm ứng dụng...như thế nào. Bạn nên hỏi các anh chị có kinh nghiệm, quản đốc phân xưởng và tự tìm hiểu công năng của chúng để thao tác nhanh chóng và thuần thục trong một khoảng thời gian ngắn. Một mẹo nhỏ là bạn hãy tìm hiểu loại thiết bị kỹ thuật và tra cứu cách sử dụng trên mạng cách sử dụng thiết bị này.
5. Trau dồi văn hoá ứng xử, kỹ năng giao tiếp
Văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp là những kỹ năng “sống còn” không chỉ giúp bạn tồn tại trong cuộc sống mà còn quan trọng cả trong công việc. Thông qua ứng xử và giao tiếp, mọi người có thể đánh giá được kiến thức, phẩm chất, tính cách của bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý của người đối diện và có thể dễ dàng thuyết phục, làm hài lòng họ hơn. Giao tiếp tốt chính là chìa khóa dẫn đến 85% thành công trong công việc.
Môi trường làm việc tại doanh nghiệp sẽ giúp cho sinh viên có nhiều bài học trải nghiệm thực tế, vì vậy văn hóa ứng xử tốt và kỹ năng giao tiếp linh hoạt sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, nơi nào mình đã từng đi qua đều có ý nghĩa, nơi nào cho mình nhiều tri thức và kinh nghiệm thì cần phải thực hành lòng biết ơn. Bạn hãy tạo mối quan hệ tốt và kết nối lâu dài cùng các anh chị hướng dẫn thực tập. Bạn cũng đừng quên gửi thư, email cảm ơn công ty, bộ phận và những người đã hỗ trợ, hướng dẫn bạn trong kỳ thực tập.
6. Đừng ngại đặt câu hỏi
Bước vào môi trường doanh nghiệp, sinh viên không nên bị động mà hãy hãy đặt câu khỏi khi cần. Thực tập cũng là thời gian để học tập, nếu không rõ về một vấn đề nào đó, hãy hỏi người hướng dẫn hay bất cứ ai có thể trả lời bạn.
Để tránh đưa ra những câu hỏi dư thừa, sinh viên cần tự mình tìm hiểu trước để quyết định đâu là điều bạn cần làm rõ. Đặt câu hỏi đúng nơi đúng lúc cũng thể hiện bạn là người cầu tiến và có tinh thần học hỏi cao.
Bạn cũng cần phải trang bị cho mình 1 cuốn sổ tay để ghi chép lại công việc hàng ngày, kế hoạch tuần, tháng hay những câu hỏi mà bạn muốn hỏi. Bạn đừng dùng điện thoại để ghi chép công việc và họp hành nhé!
Khác với môi trường đại học, cơ sở thực tập đôi khi đòi hỏi thực tập sinh những yêu cầu khắt khe dưới áp lực công việc. Những bài học nhỏ nhưng tích lũy dần sau thời gian thực tập sẽ trở thành hành trang quý báu để sinh viên vững vàng sau khi rời giảng đường để thực sự đến với nghề nghiệp mình lựa chọn.
Chúc các bạn sinh viên khoa Cơ khí Trường ĐH Sao Đỏ có một kỳ thực tập doanh nghiệp thật thành công và ghi điểm cao trong mắt nhà tuyển dụng!