Khoa Cơ khí đổi mới phương pháp giảng dạy công nghệ CNC
- Thứ năm - 12/04/2018 09:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày nay, các máy CNC đã xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp và các xưởng gia công cơ khí, nó không chỉ được dùng ở lĩnh vực gia công chính xác mà còn được dùng ở nhiều công việc và nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo CNC tại các trường kỹ thuật chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của lĩnh vực CNC ở nước ta. Các trường đào tạo thường chú trọng về lý thuyết và giảng dạy câu lệnh trong chương trình CNC. Trong khi đó việc thực hành và ứng dụng chương trình CNC vào thực tế gia công còn hạn chế. Sinh viên học xong môn CNC có thể viết được các câu lệnh, giải thích đầy đủ các câu lệnh, hoàn chỉnh một chương trình gia công chi tiết trên giấy. Nhưng chương trình gia công đó khó có thể dung được khi nhập vào máy tiến hành gia công thực tế theo yêu cầu của bản vẽ. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo sinh viên còn không được vận hành máy CNC thực tế, đôi khi hoặc giáo viên không có kinh nghiệm giảng dạy thực tế. Bên cạnh đó, việc thiếu máy để thực hành cũng là một nguyên nhân có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Máy CNC hiện nay tuy rất phổ biến nhưng vẫn có giá thành cao và công tác bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém nên các trường khó đầu tư nhiều được.
Nhập môn công nghệ CNC trên máy phay Xmill 900
Lập trình trên phần mềm SS CNC
Sinh viên thực tập tốt nghiệp tại công ty With Vina
Thực tập tốt nghiệp tại công ty PMTT
Để khắc phục được những nhược điểm đó trong những năm qua, khoa Cơ khí, trường Đại học Sao Đỏ đã hiệu chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế sản xuất: Tăng số tín chỉ thực hành CNC, sinh viên được làm thật những sản phẩm trên máy CNC, kết hợp 3 mô đun CAD/CAM/CNC,… Đồng thời sinh viên được tham gia sản xuất cùng với thầy hướng dẫn thông qua các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp. Song song với việc đó, việc sử dụng phần mềm SS CNC để dạy học được áp dụng triệt để. Đây là phần mềm có giao diện hoàn toàn giống với máy thật, qua đó sinh viên được làm quen, thao tác trên phần mềm thành thạo, sau đó lấy chương trình gia công đó truyền sang máy CNC thật để gia công. Có thể nói đây là phương pháp học tích hợp đã và đang được các cơ sở giáo dục hàng đầu áp dụng. Từ quá trình thiết kế, lập trình, mô phỏng gia công trên máy đến điều khiển máy gia công các sản phẩm thực tế, gắn với yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, trong thời gian thực tập tốt nghiệp, khoa đã chủ động liên hệ với các công ty chuyên về gia công CNC để sinh viên được tiếp cận thực tế. Qua đó dần hình thành kỹ năng, mở rộng kiến thức cho sinh viên. Điều này càng thể hiện chất lượng đào tạo của khoa Cơ khí ngày càng được nâng cao, đặc biệt đào tạo theo hướng cơ khí hiện đại, từng bước tiệm cận với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp có thể tiếp cận ngay với thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp.
Cựu sinh viên 02-CK tại công ty FOXCON
Cựu sinh viên CNKTCK-DK03 đang làm việc tại công ty Jangwo technology
Cựu sinh viên CNKTCK2- DK4 đang làm việc tại công ty NITAN Việt Nam